Các nguyên nhân gây lún
– Lún do kết cấu sai
Do thiết kế kết cấu, vì không lường hết được các yếu tố, chung nhất là tính sai lực lún xuống nhiều mà giải quyết móng không hợp lý. Trường hợp khác, nhà bị lún lệch nghiêng sang một bên, ta thường nghĩ rằng nền đất xấu. Trước khi nhìn xuống nền đất, chúng ta hãy nhìn lên lầu, có nghĩa là cần xem xét lực tác dụng xuống móng ra sao. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà bị lún lệch hầu hết đều nghiêng về phía ban công bên hông nhà. Điều này do lực của ban công tác dụng, nên lực tại cột có ban công thường lớn hơn lực ở bên trong (nhiều khi gấp đôi hoặc hơn). Mà người thiết kế khi tính lực thường hay bỏ qua tác dụng tăng thêm lực đứng của mô-men ban công. Từ đó tính lực của cột không đúng, tính diện tích móng không đúng dẫn đến phản lực đất nền không hợp lý và cuối cùng là lún không đều.
– Lún do cấu tạo sai
Chẳng hạn, dùng cát làm lớp lót móng là một việc làm tai hại. Hiện trong thực tế các nhà xây dựng thường có giải pháp đào móng công trình đến cao độ đất nền thường lót một lớp cát dày 10 cm, có nơi còn lót 20 cm hay hơn nữa. Công việc này có thể gây lún công trình vì dưới áp lực đáy móng, cát có thể chui xuống bùn bên dưới hay chui vào lớp bê tông lót có độ rỗng bên trên. Hoặc do dòng chảy, cát có thể chuyển dịch; hay do công trình kề cận đào móng, lớp cát phủ đầu cừ này có thể bị sụp lở. Cũng có thể chiều dày lớp cát đệm thi công không đều nhau, có thể tạo lún không đều.
Nguyên nhân khác cũng có thể gây lún là do dùng bê tông lót đá 4-6. Thông thường người ta dùng lớp bê tông đá 4-6 để lót trước khi đặt thép đổ bê tông móng với đá 1-2. Trong thực tế thì lớp bê tông này thường làm “qua quít” bằng việc xếp đá rồi dùng vữa xi măng tô lên phía trên, đầm tay sơ sài. Từ đó lớp lót này không thể gọi là lớp bê tông được vì có nhiều lỗ rỗng. Có thể tạo ra sự lún do lớp lót, vì đất dưới đáy móng chui lên chiếm chỗ rỗng trong bê tông đá 4-6. Mặt khác, nếu về sau bên cạnh có công trình thi công, khi đào móng có thể gây phá lớp bê tông lót này, gây lún thêm. Do đó nên dùng bê tông lót đá 1-2 trộn và đổ tại chỗ. Có chủ nhà chọn lớp bê tông lót đá 4 – 6 dày 20cm là không hiệu quả và tốn kém mà gây bất tiện cho thi công và có thể làm kém an toàn cho công trình. Không được dùng bê tông gạch vỡ làm móng vì chất lượng gạch còn kém hơn đá 4-6.
– Lún do ảnh hưởng của việc thi công công trình lân cận.
Những khu vực xây đồng bộ cùng lúc thường không can hệ, nhưng xây chen thì dễ gây lún nếu không có giải pháp đúng đắn.
Nguyên nhân có thể mô tả như sau: căn nhà A quy mô 2 tầng, xây trước. Căn nhà B xây sau cũng 2 tầng sát bên cạnh, đã đào móng làm lún và nghiêng nhà A; rồi gây lún và nghiêng chính nhà B. Nhận xét, có thể nhà A xây dựng móng cạn hay diện tích móng nhỏ hay dùng bê tông bằng đá 4-6, hay đệm một lớp cát dày trên đầu cừ tràm. Dù nhà A đang ngồi trên “thùng xăng”, sẽ vẫn ổn định cho đến ngày nhà B mang “lửa” tới bằng cách đào móng bằng hay sâu hơn nhà A. Thời gian đào đất và thi công móng kéo dài đã làm hư hỏng, sụt lở lớp bê tông lót đá 4 – 6, lớp cát đệm và đất nền của móng nhà A. Móng nhà A bị lún, nghiêng sang nhà B, “tì vai” lên nhà B bằng lực đẩy ngang và nhà B cũng bị lún nghiêng.
Biện pháp xử lý khi công trình bị lún
– Trong các sự cố về lún có thể nói sự cố lún nghiêng là vấn đề nan giải nhất và nguy hiểm nhất thậm chí có thể gây sập công trình nếu độ nghiêng vượt qua giới hạn cho phép mà không được xử lý kịp thời.
– Trước đây giải pháp xử lý sự cố lún nghiêng duy nhất được áp dụng là chất tải lên phần cao kết hợp với moi đất móng để đánh tụt công trình. Giải pháp này thực chất chỉ là giải pháp tạm thời và không bền vững
– Trải qua nhiều năm nghiên cứu và thực nghiệm Công ty chúng tôi đã xây dựng được phương án xử lý tối ưu và tiên tiến nhất mang tính khoa học bền vững để xử lý các sự cố về lún nghiêng.
Có thể tóm tắt các bước chính cần làm để xử lý một công trình lún nghiêng như sau:
– Gia cố lại nền móng cho công trình: Thông thường công trình bị lún nghiêng là do nền móng yếu, không chịu được tải trọng công trình. Vì vậy việc gia cố lại móng công trình là việc làm cần thiết để đảm bảo cho công trình có thể ổn định và không bị nghiêng trở lại. Thông thường là ép thêm cọc bê tông cốt thép cho móng.
– Dùng hệ thống kích thủy lực đặt vào hệ thống móng công trình để đẩy công trình về vị trí thẳng đứng
– Cố định công trình ở vị trí thẳng đứng.